Thay đổi đăng ký kinh doanh theo quyết định của Toà án Emt.vn - Cập nhật ngày 18/09/2019

 

Thay đổi đăng ký kinh doanh là một trong những quyền tự quyết của Doanh nghiệp mà cụ thể đó là quyền của chủ sở hữu trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tiến hành thay đổi đăng ký kinh doanh trong một thời hạn nhất định tính từ ngày chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định ( Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH, Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên và Doanh nghiệp tư nhân).

Như vậy khi chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định thay đổi đăng ký kinh doanh thì người đại diện theo pháp luật phải tiến hành thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

Bên cạnh việc thay đổi đăng ký kinh doanh theo quyền tự quyết của Doanh nghiệp còn một loại hình thay đổi đăng ký kinh doanh đó là theo quyết định của Toà án và Trọng tài.

Quyết định của Toà án, trọng tài được chia làm hai loại đó là quyết định trực tiếp và quyết định gián tiếp.

1.         Quyết định trực tiếp có nghĩa là trong bản án quy định rõ ràng buộc Doanh nghiệp phải thay đổi  toàn bộ hoặc một trong các nội dung đăng ký kinh doanh bao gồm các thông tin như: Đại diện theo pháp luật, ngành nghề đăng ký kinh doanh, thông tin chủ sở hữu.

Ví dụ về tranh chấp Hợp đồng:  Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần giữa ông A và ông B. Sau khi mở phiên toà xét xử toà án quyết  định cho ông A- người mua là người được sở hữu cổ phần và phải thanh toán nốt tiền cho ông B. Như vậy khi ông A hoàn thành trả nốt tiền cho ông B (có xác nhận của cơ quan thi hành án) thì ông A được quyền yêu cầu thay đổi đăng ký kinh doanh kèm theo hồ sơ là Bản án, xác nhận của cơ quan thi hành án, và giấy tờ nhân thân để làm thủ tục.

Ví dụ về thừa kế: Ông A là chủ sở hữu 10.000 cổ phần tại Công ty cổ phần X. Ông A chết không để lại di chúc. Ông A có 2 thừa kế đó là vợ và con trai. Sau khi ông A mất các thừa kế của ông A không thống nhất được với nhau về phân chia di sản của ông A bao gồm nhà cửa, đất đai cùng số cổ phần. Con trai của ông A đã khởi kiện và yêu cầu toà án phân chia di sản của ông A để lại. Toà án đã quyết định chia cho bà vợ của ông A được hưởng toàn bộ nhà đất còn con trai của ông A được thừa kế 10.000 cổ phần tại Công ty cổ phần X.

Như vậy con ông A là người được hưởng thừa kế và sẽ thay tên ông A tại Công ty cổ phần X sau khi công ty thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

 

2          Quyết định gián tiếp:  Đây là quyết định xảy ra tương đối nhiều trên thực tế xét xử của ngành toà án. Quyết định gián tiếp có thể hiểu là những trường hợp toà án xét xử các vụ án về hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại; trọng tài xử các vụ việc kinh doanh thương mại với các chủ thể là bị cáo, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và  những người này phải trả tiền, tài sản hoặc được nhận tiền, tài sản từ những đối tượng khác.

Khi bản án, quyết định của trọng tài có hiệu lực pháp luật cơ quan thi hành án thi hành bản án buộc phải trả tiền hoặc tài sản bằng biện pháp xiết toàn bộ tài sản của người bị thi hành án trong đó có tài sản được thể hiện bằng cổ phiếu hoặc phần vốn góp của người bị thi hành án. Khi đó cơ quan thi hành án sẽ bàn giao cổ phiếu hoặc phần vốn góp cho người được thi hành án hoặc tiến hành đấu giá bán cổ phiếu, phần vốn góp để thu tiền về trả cho người được thi hành án. Và như vậy người trúng đấu giá sẽ trở thành chủ sở hữu của cổ phiếu hoặc phần vốn góp mới và tiến hành yêu cầu thay đổi đăng ký kinh doanh.

Ví dụ: Toà án xét xử ông C phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 10 người tổng số tiền là 1.000.000.000 đồng thông qua việc nhận tiền hứa xin cho đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Sau khi xét xử toà án đã tuyên phạt ông C 12 năm tù giam đồng thời phải trả lại cho 10 người số tiền là 1.000.000.000 đồng. Bản án có hiệu lực và không bị kháng cáo, kháng nghị 10 người bị hại làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành phần dân sự đó là buộc ông A trả tiền. Cơ quan thi hành án xác minh và phong toả 50.000 cổ phiếu Công ty cổ phần ATX mà ông A đang sở hữu đồng thời bán đấu giá toàn bộ số cổ phiếu trên thu hồi tiền trả cho 10 người bị hại.  Người trúng đấu giá lô cổ phiếu 50.000 đơn vị là anh B sẽ là chủ sở hữu mới. Anh B có quyền mang hồ sơ đó là bản án, hợp đồng đấu giá để yêu cầu công ty ATX thay đổi đăng ký kinh doanh.

Như vậy việc thay đổi đăng ký kinh doanh áp dụng  khoản 5 điều 32 Luật Doanh nghiệp 2014 phải được hiểu một cách đầy đủ đó là quyết định của toà án hay trọng tài là quyết định trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên quyết định gián tiếp trong thay đổi đăng ký kinh doanh theo khoản 5 điều 32 Luật Doanh nghiệp 2014 thì điều kiện để thay đổi phải thêm một công đoạn đó là Cơ quan thi hành án thực hiện bản án có xử lý tài sản đó là cổ phiếu hoặc phần vốn góp bằng biện pháp giao cho chủ sở hữu mới thông quan đấu giá tài sản hoặc bàn giao có sự đồng ý của người bị thi hành án.

Cơ quan thi hành án là cơ quan được tổ chức theo Luật thi hành án 2008 và sửa đổi bổ sung năm 2014 có thẩm quyền thực hiện các bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của Toà án và trọng tài. Như vậy có thể hiểu việc thi hành án chính là hiện thực hoá các quyết định, bản án của trọng tài và toà án.

Thực tế một số cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ hiểu một cách trực quan đó là bản án hoặc quyết định trọng tài phải phán quyết trực tiếp liên quan đến cổ phần, phần vốn góp thì mới cho thay đổi đăng ký kinh doanh mà không chấp nhận cho các trường hợp gián tiếp thông qua mua đấu giá thi hành án. Đây là cách hiểu máy móc và vô tình vi phạm Luật Thi hành án và Luật Doanh nghiệp.

Chính vì vậy việc tuyên truyền pháp luật trong nhân dân cũng như đối với một bộ phận cán bộ công chức trong các cơ quan đăng ký kinh doanh về thi hành án để áp dụng khoản 5 điều 32 Luật Doanh nghiệp 2014 một cách đầy đủ hơn. Đây cũng chính là một trong những giải pháp đưa Luật Doanh nghiệp 2014 vào cuộc sống một cách tốt hơn và tạo môi trường pháp lý trong kinh doanh được thông thoáng, hiệu quả tránh tâm lý bức xúc và cản trở quá trình kinh doanh của người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Luật sư Phạm Xuân Dương