Biểu quyết thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Emt.vn - Cập nhật ngày 18/09/2019

 

 

Thực tiễn áp dụng luật doanh nghiệp hiện nay trong vấn đề hợp đại hội đồng cổ đông không phải ai cũng hiểu thấu đáo, điều này dẫn tới hiện tượng sự giải thích pháp luật nhiều khi mơ hồ mỗi nơi hiểu một kiểu. Trong bài viết này chúng tôi đề cập tới vấn đề tỷ lệ biểu quyết trong ĐHĐCĐ và những vấn đề nào cẩn tỷ lệ biểu quyết 65% và những vấn đề nào chỉ cần tỷ lệ biểu quyết 51%.

 

Theo điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về điều kiện thông qua nghị quyết ĐHĐCĐ:

“ Điều kiện để nghị quyết được thông qua

1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:

a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;

c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định;

đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;

e) Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.

2. Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

3. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.

4. Trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

5. Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nghị quyết được thông qua; trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi nghị quyết có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty. “

 

Trước tiên ta cần phân loại và nhóm các vấn đề cơ bản cần tỷ lệ biểu quyết ít nhất 65%, nhóm này bao gồm:

a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;

c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định;

đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;

e) Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.

Các vấn đề nêu trên Luật Doanh nghiệp 2014 quy định tỷ lệ ít nhất để thông qua là 65%. Theo tinh thần Luật doanh nghiệp 2014 đây là những vấn đề quan trọng trong doanh nghiệp nên cần quy định một tỷ lệ cao. Bên cạnh 5 vấn đề quy định chi tiết nêu trên Luật còn quy định mở một điều cho phép Điều lệ công ty có thể bổ sung những vấn đề mà doanh nghiệp cho rằng quan trọng và cần tỷ lệ biểu quyết cao.

 

ĐHĐCĐ có các quyền theo quy định của điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014 cụ thể:

“ Điều 135. Đại hội đồng cổ đông

1. Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.

2. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;

b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;

c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;

đ) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;

h) Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;

i) Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty;

k) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty. “

 

Như vậy đối chiếu các quyền trong điều 135 và 144 Luật Doanh nghiệp nêu trên thì các vấn đề chỉ cần ít nhất tỷ lệ 51% các cổ đông dự họp có quyền biểu quyết thông qua đó là:

a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;

b) quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;

c)miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

d) Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;  ( trừ thay đổi ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức công ty cần tỷ lệ 65%)

e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

g) Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại;

h) Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông công ty;

k) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

 

Trong các vấn đề cần tỷ lệ tối thiểu là 51% nêu trên chúng ta cần chú ý tránh nhầm lẫn đó là:

-       Vấn đề quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần (tránh hiểu gộp sang quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần cần tỷ lệ 65%);

-       Miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát khác với bầu thanh viên HĐQT và BKS, vì bầu thì theo phương thức dồn phiếu nhưng bãi nhiệm và miễn nhiệm chỉ cần theo phương thức thông thường quyết định tỷ lệ quá bán (Tỷ lệ miễn nhiệm và bãi nhiệm không thuộc các vấn đề thuộc khoản 1 và khoản 3 điều 144 Luật Doanh nghiệp);

-       Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ tuy nhiên riêng sửa điều lệ về thay đổi lĩnh vực kinh doanh, thay đổi cơ cấu công ty vẫn cần tỷ lệ 65%, ngoài ra các phần thay đổi khác chỉ cần tỷ lệ 51%.

 

Kết luận:

 

Bên cạnh những vấn đề quan trọng cần tỷ lệ 65% thì các vấn đề còn lại cơ bản chỉ cần tỷ lệ 51% cổ đông dự họp có quyền biểu quyết thông qua là Nghị quyết có hiệu lực. Khi áp dụng vấn đề này trong mỗi phiên họp ĐHĐCĐ cần tra soát kỹ điều lệ của từng Doanh nghiệp vì có thể trong những bản điều lệ riêng biệt này có quy định những tỷ lệ cao hơn Luật Doanh nghiệp hoặc có đưa vào quy định thêm những vấn đề khác cần tỷ lệ 65%. Nắm được sợi chỉ đỏ này chúng ta hoàn toàn có thể tự tin khi tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ được hợp pháp, tránh kiện tụng sau này.