Bình luận về phương pháp bầu, miễn nhiệm thành viên HĐQT trong công ty cổ phần Emt.vn - Cập nhật ngày 27/06/2017

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty. Như vậy ngoài Đại hội cổ đông thì Hội đồng quản trị được xem như là cơ quan thường trực của Đại hội cổ đông, một cơ quan quyền lực quan trọng của một công ty cổ phần.  Chính vì vậy việc bầu, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị là một trong những việc quan trọng trong doanh nghiệp.

 

1. Bầu toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới

Theo quy định tại luật Doanh nghiệp điều 96 khoản 2 điểm c thành viên hội đồng quản trị phải do chính Đại hội cổ đông bầu. Việc bầu thành viên Hội đồng quản trị không theo phương pháp thông thường như quyết định theo phương thức đa số (như tổng số ít nhất 75%, 65% hay bằng hoặc lớn hơn 50% tổng số biểu quyết) mà phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu. 

Tại điều 104 khoản 3 điểm c có quy định “Việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của HĐQT hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng viên”.

Theo hướng dẫn điều luật trên tại Nghị định 102/2010 NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/10/2010 điều 29 khoản 3 có quy định chi tiết hơn về việc giới thiệu thành viên ứng cử như sau:

Số lượng ứng cử viên mà mỗi nhóm có quyền đề cử phụ thuộc vào số lượng ứng cử viên do Đại hội quyết định và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi nhóm. Nếu Điều lệ công ty không quy định khác hoặc Đại hội đồng cổ đông không quyết định khác thì số lượng ứng cử viên mà các nhóm có quyền đề cử thực hiện như sau:

a) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa một ứng cử viên; 

b) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 20% đến dưới 30% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa hai ứng cử viên; 

c) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 30% đến dưới 40% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa ba ứng cử viên; 

d) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 40% đến dưới 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa bốn ứng cử viên; 

đ) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 50% đến dưới 60% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa năm ứng cử viên; 

e) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 60% đến dưới 70% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa sáu ứng cử viên; 

g) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 70% đến dưới 80% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa bảy ứng cử viên; 

h) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 80% đến dưới 90% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa tám ứng cử viên. 

Như vậy theo quy định này số lượng ứng viên (theo tiêu chí sở hữu cổ phần) được xác định phụ thuộc vào số lượng cổ phần mà cổ đông hay nhóm cổ đông nắm giữ giới thiệu.

Sau khi xác định được số lượng thành viên HĐQT theo quy định tại điều lệ công ty so với số lượng thành viên ứng cử theo nguyên tắc nếu số lượng thành viên ứng cử bằng số lượng thành viên theo quy định thì việc bầu được hoàn thành khi các thành viên ít nhất có số phiếu bầu cho mình là trúng cử  hoặc trường hợp nếu số lượng thành viên ứng cử lớn hơn số lượng thành viên HĐQT theo quy định thì xác định theo số phiếu đạt được cho mỗi thành viên theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số thành viên quy định tại điều lệ công ty.

(Trường hợp số lượng ứng cử viên được cổ đông, nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử, số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát hoặc các cổ đông khác đề cử). 

Trường hợp có từ hai ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.

Như vậy về mặt số lượng ứng viên, quy tắc lựa chọn, và cách thức xác định (trong trường hợp ngang bằng số phiếu của ứng viên) được luật doanh nghiệp 2005 và nghị định 102/2010 NĐ-CP quy định rất rõ ràng và logic nhằm giúp doanh nghiệp lựa chọn được đủ số lượng các thành viên HĐQT theo quy định của điều lệ công ty. 

 

2. Bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị

 Việc bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới được quy định rất rõ, tuy nhiên vấn đề bầu thành viên HĐQT bổ sung thì được xác định như thế nào.

 Có một số quan điểm cho rằng chỉ có việc bầu toàn bộ thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới thì theo nguyên tắc bầu dồn phiếu, còn việc bầu thành viên HĐQT bổ sung thì sẽ theo phương thức quyết định đa số (ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp chấp thuận hoặc tỷ lệ khác do điều lệ quy định). 

Mặc dù luật doanh nghiệp hoặc  các văn bản hướng dẫn không có điều khoản nào riêng rẽ  quy định về vấn đề này. Tuy nhiên theo tinh thần của luật tại điều 104 khoản 3 c thì việc bầu thành viên HĐQT dù là nhiệm kỳ mới hay là bầu bổ sung cũng đều tuân theo phương thức bầu dồn phiếu chứ không xác định theo phương thức khác (tỷ lệ biểu quyết thông qua đại hội theo thẩm quyền của ĐHCĐ như các tỷ lệ 65% ).

Hơn nữa tại điều 29 khoản 3 của Nghị định 102/2010 NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về bầu dồn phiếu có đề cập tới nội dung  “Trường hợp số lượng ứng cử viên được cổ đông, nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử, số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát hoặc các cổ đông khác đề cử”. Như vậy theo quy định này chính là sự đề cập, diễn giải phương thức bầu dồn phiếu cũng được áp dụng cho việc bầu bổ sung thành viên HĐQT bởi lẽ trong điều luật có nhắc tới trường hợp HĐQT hoặc Ban kiểm soát được quyền đề cử số lượng ứng viên cho ít nhất đủ số. Vậy trong trường hợp này được hiểu là phải có HĐQT rồi chứ không phải là chưa có HĐQT, và đây chính là hướng dẫn gián tiếp cho việc bầu thành viên HĐQT bổ sung và cho nhiệm kỳ mới tiếp theo. 

Chính vì vậy có thể kết luận rằng phương thức bầu dồn phiếu cũng được áp dụng đối với trường hợp bầu bổ sung thành viên HĐQT và trình tự cũng như phương thức thực hiện được áp dụng giống như bầu mới cà nhiệm kỳ HĐQT. 

 

3. Miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị

Đối với bầu thành viên HĐQT trong quy định của Luật doanh nghiệp có riêng một điểm hướng dẫn, tuy nhiên việc miễn nhiệm thành viên HĐQT lại không được để cập tới. Vậy cách hiểu để áp dụng quy định miễn nhiệm thành viên HĐQT sẽ như thế nào? Trở về nguyên tắc suy luận chung, nếu một vấn đề không được quy định cụ thể riêng rẽ thì nó sẽ được áp dụng theo những nguyên tắc chung. Áp dụng đối với trường hợp miễn nhiệm thành viên HĐQT này do không có điều khoản nào quy định riêng cho nó thì sẽ được áp dụng theo nguyên tắc đa số trong cuộc họp ĐHCĐ. Điều 104 Luật Doanh nghiệp quy định về các quyết định của Đại hội cổ đông và khoản 3 điều này có đưa ra tỷ lệ ít nhất 65% tổng số phiếu cho hầu hết các vấn đề quyết định trong doanh nghiệp trừ một số trường hợp đặc biệt là 75%.

Như vậy về cơ bản ta có thế xác định được nguyên tắc miễn nhiệm thành viên HĐQT sẽ theo cách thức quyết định bỏ phiếu theo đa số với số phiếu ít nhất 65% (tuỳ từng quy định của các công ty khác nhau) là có thể miễn nhiệm được thành viên HĐQT. 

Với những vấn đề đặt ra và phân tích như trên, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ áp dụng được chuẩn mực hơn theo quy định hiện hành, mặt khác đối với cơ quan lập pháp nên quy định rõ ràng và chi tiết hơn trong vấn đề miễn nhiệm để tránh những suy luận, hiểu lầm của một số quan điểm về cách thức áp dụng như hiện nay.

Luật sư Phạm Xuân Dương