Quy trình cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài Emt.vn - Cập nhật ngày 24/09/2019

Hiện nay, nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đã trở nên phổ biến hơn trong công ty 100% vốn Việt Nam cũng như trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và hầu hết đều phải được cấp phép trước khi làm việc.

 

1. Điều kiện cấp Giấy phép lao động:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

- Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.

- Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

- Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

- Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.

 

2. Quy trình cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài:

Bước 1: Đề nghị Chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

- Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định.

Trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động gửi báo cáo giải trình thay đổi trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử.

- Trong thời hạn 12 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai và báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan chấp thuận trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp báo cáo chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan chấp thuận trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

- Sau khi nhận được trả lời kết quả báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc báo cáo đến cơ quan chấp thuận để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định.

- Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc báo cáo thì cơ quan chấp thuận phải trả kết quả cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ đăng ký của người sử dụng lao động.

Bước 2: Đề nghị cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài

Trước ít nhất 7 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.

- Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp. (không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ)

- Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

- 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

- Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.

- Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài.

Lưu ý: Nếu các giấy tờ trên của nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại hoặc theo quy định của pháp luật; dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 

3. Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013;

- Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm tại việc tại Việt Nam;

- Nghị định số 140/2018/NĐ-CP quy định và sửa đổi một số điều của Bộ Luật Lao động và Nghị định 11/2016/NĐ-CP về thủ tục cấp giấy phép lao động, hồ sơ giấy phép lao động và thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động được sửa đổi rút ngắn hơn quy định trước đây;

 

Để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau: 

Luật sư Phạm Xuân Dương

Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw)- Công ty Luật TNHH Đại Việt 

Địa chỉ: P305, Toà nhà Newtatco, số 28 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Mobile: +84 9888 999 26

Email: xuanduong@luatdaiviet.vn