Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa Emt.vn - Cập nhật ngày 10/03/2020

Nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam cần đặc biệt lưu ý đến ngành, nghề kinh doanh của công ty. Trước khi thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa mà có yêu cầu về Giấy phép kinh doanh thì nhà đầu tư nước ngoài cần được cấp phép trước khi thực hiện. Giấy phép kinh doanh phổ biến hiện nay là Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa do Sở Công thương cấp.

 

1. Các trường hợp cần cấp Giấy phép kinh doanh:

Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP, Giấy phép kinh doanh được cấp cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:

- Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa;

- Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa: dầu, mỡ bôi trơn;

- Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

- Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;

- Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;

- Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;

- Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;

- Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

Như vậy, hiện nay đối với hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được cấp Giấy phép kinh doanh cho hoạt động phân phối bán lẻ tại Sở Công thương.

Đối với hoạt động phân phối bán buôn hàng hóa, Giấy phép kinh doanh áp dụng với mặt hàng là: dầu, mỡ bôi trơn.

Đối với việc cung cấp dịch vụ: chỉ có các dịch vụ được liệt kê ở trên thuộc trường hợp phải cấp Giấy phép kinh doanh.

 

2. Các trường hợp không phải cấp Giấy phép kinh doanh:

- Ngoài các trường hợp nêu tại mục 1 ở trên, doanh nghiệp thuộc trường hợp phải đăng ký đầu tư được quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa sau khi đăng ký thực hiện các hoạt động đó tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường, đăng ký thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lấy ý kiến Bộ Công Thương trước khi cấp, thay đổi đăng ký thực hiện các hoạt động đó tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

 

3. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa:

- Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa: Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính.

- Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa:

(1)  Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (theo Mẫu).

(2)  Bản giải trình có nội dung: Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh; Kế hoạch kinh doanh; Kế hoạch tài chính; Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh.

(3)  Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.

(4)  Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).

- Trình tự cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ hàng hóa:

(1)  Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.

(2)  Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện tương ứng quy định tại Điều 9 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

Trường hợp đáp ứng ứng điều kiện

+ Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP; trường hợp từ chối cấp phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

+ Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành theo quy định tại điểm a hoặc b khoản 3 Điều 8 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP.

(3)  Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành căn cứ vào nội dung tương ứng quy định tại Điều 10 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP để có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh; trường hợp từ chối, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

 

(4)  Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép kinh doanh. Trường hợp Bộ Công Thương hoặc bộ quản lý ngành có văn bản từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn cần phải được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ trong trường hợp doanh nghiệp đó lập cơ sở bán lẻ tại địa chỉ cụ thể. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ sau khi có Giấy phép kinh doanh và tài liệu về địa điểm lập cơ sở bán lẻ.

 

4. Căn cứ pháp lý:

- Luật Đầu tư 2014;

- Luật Doanh nghiệp 2014;

- Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 15/01/2018.

 

Để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết,Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau: 

Luật sư Trần Thị Huyền Trang

Phòng Pháp luật Doanh nghiệp(VnLaw)- Công ty Luật TNHH Đại Việt 

Địa chỉ: P305, Toà nhà Newtatco, số 28 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Mobile: +84 9888 999 26

Email: xuanduong@luatdaiviet.vn