Tranh chấp hợp đồng thương mại Emt.vn - Cập nhật ngày 25/11/2019

 

 

Trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại, đặc biệt là hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên cần lưu ý thực hiện đúng các quy định trong hợp đồng. Khi một trong các bên vi phạm hợp đồng sẽ dễ dàng phát sinh tranh chấp. Một trong các trường hợp tranh chấp phổ biến hiện nay là liên quan đến chất lượng hàng hóa do bên bán cung cấp hàng hóa không đúng chất lượng theo thỏa thuận. 

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi đề cập tới vấn đề tranh chấp hợp đồng thương mại liên quan tới chất lượng hàng hoá.

 

1. Khái niệm hợp đồng thương mại, tranh chấp hợp đồng thương mại:

- Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy, hợp đồng thương mại là hợp đồng liên quan đến mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

- Tranh chấp hợp đồng thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng thương mại. Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng thương mại, các bên có thể lựa chọn các phương thức giải quyết phù hợp như thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc khởi kiện tại tòa án.

 

2. Khái niệm về chất lượng hàng hóa:

Khi thực hiện hợp đồng, bên bán phải giao hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng về chất lượng hàng hóa. Chất lượng hàng hóa được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề. Trường hợp khác, chất lượng hàng hóa được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Ngoài ra, các bên có thể quy định chất lượng hàng hóa theo mẫu hàng hóa mà bên bán giao cho bên mua. Nếu hàng hóa được giao không có chất lượng giống như mẫu hàng hóa thì bên bán vi phạm hợp đồng thương mại về chất lượng hàng hóa.

 

3. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng:

Khi có tranh chấp hợp đồng, các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp với mong muốn và thiện chí của các bên. Sau đây là một số phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng để các bên lựa chọn.

- Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua thương lượng: Hai bên trong hợp đồng tự đàm phán, thỏa thuận với nhau để thống nhất phương án giải quyết mà không cần đến bên thứ ba. Phương thức giải quyết tranh chấp này giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí; tuy nhiên tính hiệu quả không cao vì phụ thuộc vào sự thiện chí của các bên mà khi đã xảy ra tranh chấp thì sự thiện chí này cũng giảm đi. 

- Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua hòa giải: Phương thức giải quyết này có sự tham gia của bên thứ ba là hòa giải viên. Hòa giải viên đóng vai trò trung gian giúp các bên thống nhất phương án giải quyết. Phương thức này hiệu quả hơn phương thức thương lượng nhưng vẫn không đảm bảo chắc chắn vì vẫn phụ thuộc vào thiện chí các bên và phương án giải quyết không mang tính cưỡng chế, bắt buộc.

- Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua trọng tài: các bên đưa tranh chấp ra trọng tài để giải quyết (trọng tài viên hoặc trung tâm trọng tài). Tuy nhiên phương thức này chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận trọng tài. Ưu điểm của phương thức trọng tài là giải quyết nhanh chóng, bí mật, phán quyết trọng tài là chung thẩm. Hạn chế của phương thức này là chi phí thường khá cao, tính hiệu lực của phán quyết trọng tài thường không cao bằng tòa án; phán quyết trọng tài nếu vi phạm quy định của pháp luật có thể bị hủy bởi tòa án.

- Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua tòa án: một bên có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp hợp đồng. Ưu điểm của phương thức này là chi phí thấp hơn phương thức trọng tài, hiệu lực phán quyết của tòa án cao hơn và có tính cưỡng chế cao hơn. Hạn chế của phương thức này là thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian, bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo và giải quyết bởi thủ tục xét xử phúc thẩm.

 

4. Trách nhiệm của bên bán do giao hàng không đúng chất lượng:

Khi bên bán giao hàng không đúng chất lượng đã thỏa thuận trong hợp đồng thì bên bán đã vi phạm hợp đồng. Luật Thương mại quy định các chế tài trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng như sau:

(1) Buộc thực hiện đúng hợp đồng:

Trường hợp bên bán giao hàng hoá kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá hoặc giao hàng khác thay thế. Bên bán không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên mua.

Trong trường hợp bên bán không thực hiện đúng hợp đồng như nêu trên thì bên mua có quyền mua hàng của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá ghi trong hợp đồng và bên bán phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; bên mua có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá và bên bán phải trả các chi phí thực tế hợp lý.

Bên mua có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên bán thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

(2) Phạt vi phạm:

Phạt vi phạm là việc bên mua yêu cầu bên bán trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm theo Luật Thương mại 2005.

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật Thương mại 2005.

(3) Buộc bồi thường thiệt hại:

Bồi thường thiệt hại là việc bên bán bồi thường những tổn thất do hành vi giao hàng không đúng chất lượng hợp đồng gây ra cho bên mua.

Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên mua phải chịu do bên bán gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên mua đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

(4) Tạm ngừng thực hiện hợp đồng:

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm theo Luật Thương mại 2005, tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

(5) Đình chỉ thực hiện hợp đồng:

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm theo Luật Thương mại 2005, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

(6) Hủy bỏ hợp đồng:

Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng. Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm theo Luật Thương mại 2005, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

 

5. Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Dân sự 2015;

- Luật Thương mại 2005.

 

Để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau: 

Luật sư Trần Thị Huyền Trang

Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw)- Công ty Luật TNHH Đại Việt 

Địa chỉ: P305, Toà nhà Newtatco, số 28 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Mobile: +84 9888 999 26

Email: xuanduong@luatdaiviet.vn