Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá Emt.vn - Cập nhật ngày 12/11/2019

Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hoá liên quan tới giao nhận hàng hoá

 

Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hoá

Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

Theo điều 24 của Luật Thương mại, Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.  Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.

 

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá

 

Dựa trên khái niệm về Hợp đồng mua bán hàng hoá ta có thể hiểu tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hoá là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong Hợp đồng mua bán hàng hoá trong việc thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc không thực hiện các thoả thuận, cam kết trong hợp đồng và quy định pháp luật có liên quan.

            Như vậy ta có thể xác định một số những nguyên nhân phát sinh tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hoá:

-           Do ý chí chủ quan của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hoá;

-           Do khả năng thực hiện các cam kết trong hợp đồng mua bán hàng hoá;

-           Do bất đồng pháp luật;

-           Do sự kiện bất khả kháng đã được liệt kê hoặc chưa được liệt kê trong hợp đồng;

-           Do sự thay đổi chính sách hoặc pháp luật dẫn tới việc thực hiện hợp đồng khó hoặc không thực hiện được…

Do nguyên nhân dẫn tới tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá có rất nhiều, nhưng trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập tới một trong những điểm nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn tới tranh chấp trong thực tế tại Việt Nam đó là điều khoản bàn giao hàng hoá trong hợp đồng mua bán hàng hoá.

Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá liên quan đến điều khoản giao hàng.

Theo quy định của Luật thương mại 2005 từ điều 34 đến điều 44 quy định về giao hàng, địa điểm giao hàng, trách nhiệm của người vận chuyển, thời hạn giao hàng, hàng hoá không phù hợp với hợp đồng, khắc phục giao hàng thiếu, thừa, bàn giao chứng từ, kiểm tra hàng hoá, chuyển quyền sở hữu…

Giao nhận hàng hoá là một trong những công đoạn quan trọng của Hợp đồng mua bán hàng hoá. Bởi vì mục đích của Hợp đồng mua bán hàng hoá đối với bên mua là nhận được hàng đúng theo thoả thuận.

Thông thường bất kỳ một hợp đồng mua bán hàng hoá nào đều quy định bên bán phải giao hàng đúng số lượng, chất lượng, đóng gói bảo quản theo quy định (nếu có) và chứng từ kèm theo đúng thời hạn, đúng địa điểm…

Tuy nhiên trong thực tế rất nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp do những yếu tố chủ quan hoặc khách quan mà việc bàn giao hàng hoá đã xảy ra vi phạm do các lỗi nêu trên.

Việc xử lý các lỗi trong bàng giao hàng hoá có những hợp đồng được quy định và lường sẵn những trường hợp xảy ra và cách thức giải quyết, có những hợp đồng tuy có lường sẵn nhưng không đầy đủ các tình huống, có những hợp đồng không quy định bất kỳ một cách thức xử lý mà chỉ viện dẫn tới các điều khoản chung. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng việc định lượng và tiên lượng các tình huống xảy ra và cách thức giải quyết khi có các tình huống phát sinh xảy ra trong việc giao nhận hàng hoá là vô cùng quan trọng. Nó bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng được suôn sẻ và nhanh chóng, khắc phục được những bất đồng, mâu thuẫn phát sinh giữa các chủ thể và hạn chế được tranh chấp xảy ra.

Đối với những hợp đồng không có có quy định về các tình huống phát sinh hoặc có quy định nhưng không đầy đủ thì việc xảy ra các rủi ro tranh chấp về điều khoản giao nhận hàng hoá là rất lớn bởi vì riêng liên quan tới việc giao nhận có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, như rủi ro về số lượng, chất lượng, chủng loại, thời hạn…

Như vậy có thể thấy rằng điều khoản giao nhận hàng hoá tiềm ẩn rất lớn nguy cơ xảy ra tranh chấp hợp đồng, chính vì vậy các bên cần phải cảnh giác và thoả thuận trước các cơ chế liên quan tới giao nhận hàng hoá.

  

Giải quyết tranh chấp liên quan tới giao nhận trong Hợp đồng mua bán hàng hoá

Hiện nay việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hoá liên quan tới giao nhận hàng hoá xảy ra ngày một nhiều. Việc giải quyết tranh chấp nhiều khi rất phức tạp vì các bên tranh chấp thiếu các giấy tờ, thiếu chứng cứ chứng minh sự vi phạm của đối tác. Sự thiếu hụt các chứng cứ chứng minh là một trong những nguyên nhân dẫn tới thiệt hại của bên ngay tình trong hợp đồng mà cơ quan tài phán là Toà án hoặc Trọng tài rất khó bảo vệ được quyền lợi của bên ngay tình. Chính vì vậy chứng cứ trong giao nhận hàng hoá cần phải đặc biệt coi trọng và các bên cần phải thận trọng trong xử lý vấn đề này để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Cơ quan giải quyết tranh chấp có thể là Toà án hoặc Trọng tài thương mại. Thực tế ở Việt Nam do thói quen và truyền thống cũng như do hệ thống pháp luật tố tụng tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá thường được giải quyết tại Toà án. Tuy nhiên việc giải quyết tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hoá tại Toà án thường diễn ra rất lâu do tố tụng và do số lượng án tồn của Toà án quá nhiều, ngoài ra tố tụng tại toà án có nhiều cấp xét xử nên cũng dẫn tới việc giải quyết tranh chấp kéo dài.

 So với toà án thì Trọng tài thương mại tại Việt Nam ít được sử dụng hơn bởi vì các thương nhân chưa tin tưởng tính công tâm và minh bạch của Trọng tài viên và các Trung tâm trọng tài. Phán quyết của trọng tài khó thực thi vì bản thân các trọng tài viên chưa xử lý hết được các vấn đề phát sinh liên quan tới cơ quan Thi hành án. Ngược lại việc xử lý vụ việc tại trọng tài thương mại lại có ưu điểm nhanh chóng do chỉ có một cấp xét xử, các trọng tài viên thường am hiểu về thương mại, quy tắc tố tụng trọng tài về xét xử rất nhanh. Chính vì thế đây là ưu điểm lớn mà các chủ thể khi giao kết hợp đồng nên cân nhắc lựa chọn Trọng tài và Trung tâm trọng tài khi giải quyết tranh chấp.

 

Phòng ngừa tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá liên quan tới điều khoản giao nhận

Chính vì giao nhận hàng hoá tiềm ẩn rất nhiều yếu tố có thể dẫn tới tranh chấp hợp đồng cho nên để khắc phục được rủi ro này cần xử lý các vấn đề sau:

-                    Cần lường trước được tất cả các tình huống có thể xảy ra và cách thức xử lý nếu có trong hợp đồng;

-                    Quy định về giao nhận càng rõ ràng, chi tiết càng tốt và hạn chế các thuật ngữ nhập nhằng, khó hiểu;

-                    Việc giao nhận hàng hoá cần giao cho những người có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật để có thể xử lý các tình huống;

-                    Lập biên bản sự việc xảy ra cần tuân thủ quy định của hợp đồng và quy định pháp luật để có cơ sở giải quyết tranh chấp (nếu có)

-                    Các bên cần tuân thủ hợp đồng và quy định pháp luật trong việc giao nhận hàng hoá.

 

Trên đây là một số những vấn đề thực tế dẫn tới tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá mà nguyên nhân từ giao nhận hàng hoá, chúng tôi hy vọng các thương nhân cần phòng ngừa để hạn chế rủi ro cho mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Luật sư Phạm Xuân Dương

Phòng Pháp luật Doanh nghiệp Vnlaw, Công ty Luật Đại Việt, P305, 28 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

Mobile: 0988899926