Tranh chấp hợp đồng kinh tế Emt.vn - Cập nhật ngày 05/12/2019

Tranh chấp hợp đồng kinh tế liên quan đến vấn đề bảo hành.

Tranh chấp hợp đồng kinh tế là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng kinh tế. Các tranh chấp hợp đồng kinh tế thường liên quan đến điều khoản giao hàng, chất lượng hàng hóa, chất lượng dịch vụ, kiểm tra, bảo hành, thanh toán. Trong bài viết này sẽ tập trung đề cập đến tranh chấp hợp đồng kinh tế liên quan đến vấn đề bảo hành.

 

1. Trách nhiệm bảo hành hàng hóa:

Trách nhiệm bảo hành hàng hóa của bên bán do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Khi đó, bên bán có nghĩa vụ bảo hành hàng hoá đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận. Bên bán phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành trong thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép và phải chịu các chi phí về việc bảo hành.

Ngoài ra, Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về “Trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện” như sau:

Hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành theo thỏa thuận của các bên hoặc bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm:

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp;

- Cung cấp cho người tiêu dùng giấy tiếp nhận bảo hành, trong đó ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành. Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới thì thời hạn bảo hành linh kiện, phụ kiện hoặc hàng hóa đó được tính từ thời điểm thay thế linh kiện, phụ kiện hoặc đổi hàng hóa mới;

- Cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa, linh kiện, phụ kiện tương tự để sử dụng tạm thời hoặc có hình thức giải quyết khác được người tiêu dùng chấp nhận trong thời gian thực hiện bảo hành;

- Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi.

- Đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ ba lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi;

- Chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của người tiêu dùng;

- Chịu trách nhiệm về việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng cả trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành.

 

2. Khiếu nại về bảo hành hàng hóa:

Khi bên bán giao hàng kém chất lượng đã thỏa thuận trong hợp đồng thì bên bán đã vi phạm hợp đồng, bên mua được áp dụng chế tài “buộc thực hiện đúng hợp đồng”. Bên bán phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá hoặc giao hàng khác thay thế. Bên bán không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên mua.

Trường hợp hàng hóa có bảo hành thì thời hạn khiếu nại được quy định theo khoản 2 Điều 318 Luật Thương mại 2005 như sau: thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau: Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành.

Bên cạnh chế tài “buộc thực hiện đúng hợp đồng”, bên mua được quyền áp dụng các chế tài khác phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định pháp luật bao gồm: phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy hợp đồng.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định: “Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.” Trường hợp này, người tiêu dùng, tổ chức xã hội có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

 

3. Các hình thức giải quyết tranh chấp hợp đồng:

Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng kinh tế, các bên có thể giải quyết tranh chấp bằng các phương thức quy định tại Điều 317 Luật Thương mại 2005 bao gồm:

- Thương lượng giữa các bên.

- Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

- Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Hình thức thương lượng do các bên thiện chí thỏa thuận, đàm phán với nhau để thống nhất phương án giải quyết. Hình thức này hiệu quả đối với những vụ việc đơn giản và các bên thiện chí muốn giải quyết.

Hình thức hòa giải là giải quyết tranh chấp thông qua một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận làm trung gian hòa giải. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải được hướng dẫn bởi Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Hình thức giải quyết tại Trọng tài được áp dụng khi các bên có thỏa thuận trọng tài. Trường hợp các bên không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì hình thức này không được áp dụng. Khi đó, một trong các bên được quyền khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế.

Hình thức giải quyết tại Tòa án là hình thức phổ biến tại Việt Nam, vì tính hiệu lực và cưỡng chế cao của bản án do Tòa án ban hành. Thông thường, hình thức giải quyết tại Tòa án thông qua hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án sơ thẩm không có hiệu lực ngay và chỉ có hiệu lực khi không có kháng cáo, kháng nghị sau thời hạn luật định. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay và bắt buộc các bên phải thực hiện.

 

4. Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Dân sự 2015;

- Luật Thương mại 2005;

- Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010.

 

Để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau: 

Luật sư Trần Thị Huyền Trang

Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw)- Công ty Luật TNHH Đại Việt 

Địa chỉ: P305, Toà nhà Newtatco, số 28 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Mobile: +84 9888 999 26

Email: xuanduong@luatdaiviet.vn