Thủ tục thành lập Ban quản trị nhà chung cư Emt.vn - Cập nhật ngày 05/11/2019

 

Hiện nay, việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư là rất cần thiết và cũng là bắt buộc đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên để đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Vậy thủ tục thành lập Ban quản trị chung cư như thế nào, hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư gồm những gì? Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn quan tâm nắm được các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.

 

1. Thành lập Ban quản trị nhà chung cư lần đầu:

a) Quy định bắt buộc thành lập Ban quản trị nhà chung cư:

- Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu hoặc nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu nhưng có dưới 20 căn hộ thì chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thống nhất quyết định việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư hoặc không thành lập Ban quản trị nhà chung cư.

- Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu mà có từ 20 căn hộ trở lên phải thành lập Ban quản trị nhà chung cư.

b) Tư cách pháp nhân, mô hình hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư:

- Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư không có tư cách pháp nhân, không có con dấu; Ban quản trị được thành lập và hoạt động theo mô hình tự quản; các thành viên Ban quản trị tự thống nhất phân công thực hiện các quyền và trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều 41 của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

- Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu, được thành lập và hoạt động theo mô hình Hội đồng quản trị của hợp tác xã hoặc của công ty cổ phần. Hội nghị nhà chung cư quyết định lựa chọn mô hình hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư cho phù hợp với thực tế từng tòa nhà, cụm nhà chung cư.

c) Nhiệm kỳ Ban quản trị nhà chung cư:

Ban quản trị nhà chung cư quy định có nhiệm kỳ hoạt động 03 năm và được bầu lại tại hội nghị nhà chung cư thường niên của năm cuối nhiệm kỳ, trừ trường hợp họp hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu thay thế Ban quản trị.

d) Số lượng, thành phần Ban quản trị nhà chung cư:

Số lượng thành viên Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư do hội nghị nhà chung cư quyết định theo nguyên tắc sau đây:

- Đối với một tòa nhà chỉ có một khối nhà (block) thì có tối thiểu 03 thành viên Ban quản trị; trường hợp một tòa nhà có nhiều khối nhà (block) có chung khối đế nổi trên mặt đất thì mỗi khối nhà (block) có tối thiểu 01 thành viên Ban quản trị;

- Đối với một cụm nhà chung cư thì có số lượng tối thiểu 06 thành viên Ban quản trị.

Thành phần Ban quản trị nhà chung cư, cụm nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được quy định như sau:

- Ban quản trị của tòa nhà chung cư bao gồm 01 Trưởng ban, 01 hoặc 02 Phó ban và các thành viên khác do hội nghị nhà chung cư quyết định.

Trường hợp chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư thì đại diện của chủ đầu tư có thể được hội nghị nhà chung cư bầu làm Trưởng ban quản trị nhà chung cư; trường hợp không được bầu làm Trưởng ban thì được tham gia làm Phó ban quản trị nhà chung cư;

- Ban quản trị của cụm nhà chung cư bao gồm 01 Trưởng ban; mỗi tòa nhà trong cụm tổ chức họp để cử 01 hoặc 02 đại diện làm Phó ban và các thành viên khác do hội nghị cụm nhà chung cư quyết định.

Trường hợp chủ đầu tư còn sở hữu diện tích trong cụm nhà chung cư thì đại diện của chủ đầu tư có thể được hội nghị cụm nhà chung cư bầu làm Trưởng ban quản trị cụm nhà chung cư. Mỗi tòa nhà trong cụm nhà chung cư mà chủ đầu tư còn sở hữu diện tích thì chủ đầu tư được cử đại diện tham gia làm Phó Ban quản trị của cụm, trừ trường hợp đại diện chủ đầu tư của tòa nhà đó được bầu làm Trưởng ban quản trị của cụm nhà chung cư.

e) Bầu Ban quản trị nhà chung cư tại Hội nghị nhà chung cư:

Ban quản trị nhà chung cư đầu tiên được bầu và quyết định trong Hội nghị nhà chung cư lần đầu. Chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu có thể tổ chức họp trù bị để chuẩn bị các nội dung cho hội nghị nhà chung cư chính thức.

Hội nghị nhà chung cư lần đầu quyết định các nội dung sau đây:

- Quy chế họp hội nghị nhà chung cư (bao gồm họp lần đầu, họp thường niên và họp bất thường);

- Quy chế bầu Ban quản trị nhà chung cư, tên gọi của Ban quản trị, số lượng, danh sách thành viên Ban quản trị, Trưởng ban, Phó ban quản trị (nếu nhà chung cư có thành lập Ban quản trị);

- Sửa đổi, bổ sung nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư (nếu có);

- Các nội dung quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều này; riêng đối với giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thì hội nghị nhà chung cư quyết định trên cơ sở quy định của Quy chế này và thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành;

- Các khoản kinh phí mà chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải đóng góp trong quá trình sử dụng nhà chung cư;

- Các nội dung khác có liên quan.

Sau khi bầu Ban quản trị lần đầu, Ban quản trị cần phải thực hiện thủ tục công nhận và thông báo hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư tại Ủy ban nhân dân cấp quận, cụ thể theo mục dưới đây.

 

2. Thủ tục công nhận và thông báo hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư lần đầu:

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được hội nghị nhà chung cư bầu, Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị công nhận Ban quản trị tại Ủy ban nhân dân cấp quận nơi có nhà chung cư.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị của Ban quản trị nhà chung cư, Ủy ban nhân dân cấp quận có trách nhiệm kiểm tra và ban hành Quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư.

- Sau khi có Quyết định công nhận Ban quản trị của Ủy ban nhân dân cấp quận, Ban quản trị được công nhận có trách nhiệm lập tài khoản hoạt động của Ban quản trị; trường hợp nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị phải lập tài khoản quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và đăng ký con dấu theo quy định của pháp luật về đăng ký quản lý con dấu (tên Ban quản trị nhà chung cư khắc trên con dấu phải trùng với tên Ban quản trị đã được Ủy ban nhân dân cấp quận công nhận).

- Ban quản trị nhà chung cư có một chủ sở hữu được hoạt động kể từ khi được Ủy ban nhân dân cấp quận công nhận. Ban quản trị nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được hoạt động kể từ khi có con dấu được đăng ký theo quy định của pháp luật và có các tài khoản được lập theo quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Hồ sơ đề nghị công nhận Ban quản trị nhà chung cư lần đầu:

- Văn bản đề nghị của Ban quản trị, trong đó nêu rõ tên Ban quản trị đã được hội nghị nhà chung cư thông qua (nếu thành lập Ban quản trị của tòa nhà chung cư thì tên Ban quản trị được đặt theo tên hoặc số tòa nhà; nếu thành lập Ban quản trị của cụm nhà chung cư thì tên Ban quản trị do Hội nghị nhà chung cư quyết định);

- Biên bản họp hội nghị nhà chung cư về việc bầu Ban quản trị;

- Danh sách các thành viên Ban quản trị; họ tên Trưởng ban và Phó ban quản trị;

- Quy chế hoạt động của Ban quản trị đã được hội nghị nhà chung cư thông qua.

 

3. Căn cứ pháp lý:

- Luật Nhà ở 2014;

- Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ngày 15/02/2016;

- Thông tư số 28/2016/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016.

 

Để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau: 

Luật sư Phạm Xuân Dương

Phòng Pháp luật Doanh nghiệp (VnLaw)- Công ty Luật TNHH Đại Việt 

Địa chỉ: P305, Toà nhà Newtatco, số 28 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Mobile: +84 9888 999 26

Email: xuanduong@luatdaiviet.vn