Hợp đồng thương mại, một số điểm cần lưu ý Emt.vn - Cập nhật ngày 15/10/2019

 

Hợp đồng thương mại là hợp đồng phổ biến hàng ngày trong đời sống kinh tế, nó quyết định phần lớn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Chính vì sự quan trọng của nó nên Nhà nước ban hành rất nhiều các văn bản pháp luật để điều chỉnh mối quan hệ này. Tuy nhiên là vì giao dịch kinh tế mang tính chất tự do thỏa thuận và pháp luật chỉ quy định phần khung còn phần lớn là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch. Để hợp đồng được hoàn thiện phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí như : Hợp đồng cần sử dụng các thuật ngữ rõ ràng; Khung pháp lý của hợp đồng hoàn chỉnh và đầy đủ; Điều khoản giao nhận hàng cần chi tiết; Điều khoản thanh toán và đảm bảo thanh toán; Chế tài rõ ràng cho các hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo hợp đồng và cách thức áp dụng ; Luật áp dụng và cơ quan tài phán…

Vậy làm cách nào để hợp đồng được tôn trọng và phòng ngừa được những rủi ro cơ bản trong giao dịch. Trong bài viết ngắn này chúng tôi chỉ đề cập tới vấn đề giao nhận hàng hóa, chế tài và điều khoản thanh toán để  các chủ thể trong hợp đồng tham khảo và áp dụng.

1. Điều khoản giao nhận hàng hóa trong hợp đồng thương mại

Trong Hợp đồng thương mại chủ thể của hợp đồng là các thương nhân  và thông thường khi các bên giao nhận hàng hóa thường có bàn giao và ký nhận. Tuy nhiên thực tế trong giao nhận lại là các cán bộ nhân viên của hai bên mà không có chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền. Đây chính là một trong những sơ hở mà khi hai bên tranh chấp nhau phần thua thiệt thường nằm nghiêng về phía bên bán, bên cung cấp hàng hóa dịch vụ, bởi vì lúc đó đại diện có thẩm quyền của bên mua thường từ chối làm biên bản xác nhận hàng hóa hoặc xác nhận đối chiếu khối lượng hàng hóa. Điều này sẽ dẫn tới việc bên bán không có chứng cứ pháp lý tin cậy khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy điều khoản về giao nhận hàng hóa các bên cần quy định chi tiết về cách thức giao nhận, chủ thể giao nhận để đề phòng việc mâu thuẫn xung đột sau này liên quan tới vấn đề xác nhận khối lượng hàng hóa, dịch vụ.

2. Chế tài rõ ràng cho các hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo hợp đồng và cách thức áp dụng

Hợp đồng cần quy định quy trình thực hiện/ các bước thực hiện cho cả hai và kết quả của việc thực hiện các bước là gì đồng thời phải có chế tài cho việc thực hiện hoặc không thực hiện đúng theo nghĩa vụ của các chủ thể.

Chế tài đặt ra cho các bên nhưng làm thế nào để chế tài được thực hiện cũng là điều quan trọng trọng hợp đồng và điều này cần được xử lý triệt để nhằm tránh quy định ra nhưng khó thực hiện hoặc không thực hiện được. Chính vì vậy hợp đồng cần liệt kê càng chi tiết các tốt và lường trước các tình huống có thể phát sinh để áp những chế tài cụ thể, những tình huống nào không thể lường trước được thì xác định cơ chế chịu trách nhiệm thuộc bên nào để chi tiết hoá áp dụng chế tài.

3. Điều khoản thanh toán và bảo đảm thanh toán

Trong hợp đồng thương mại mục đích của bên bán là bán được hàng hóa, dịch vụ và thu hồi được tiền đúng tiến độ; mục đích của bên mua là nhận được hàng hóa dịch vụ đúng theo thỏa thuận.

Vì vậy điều khoản thanh toán được đặt ra cần phù hợp với các tiến độ, quá trình thực hiện hợp đồng để các bên thực hiện. Tuy nhiên trong thực tế điều khoản này thường bị vi phạm ở phía của bên có nghĩa vụ thanh toán có thể là chậm thanh toán, hoặc cố tình không thanh toán nhằm chiếm đoạt. Để phòng ngừa việc chậm thanh toán hoặc không thanh toán trong hợp đồng nên có quy định về biện pháp bảo đảm thanh toán, tuy nhiên để lựa chọn và áp dụng biện pháp bảo đảm trong thanh toán không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được trong hợp đồng vì việc khó khăn trong áp dụng. Hiện nay việc bảo đảm thanh toán có thể là ký quỹ, hoặc thư bảo lãnh của ngân hàng…Thực tế cho thấy thư bảo lãnh thường được ưu tiên áp dụng. Để sử dụng phương án này có hiệu quả thì các bên cần lưu ý các điều khoản để giải ngân bảo lãnh- đây là điểm mấu chốt quan trọng nhằm tránh trường hợp mặc dù có Thư bảo lãnh của ngân hàng tuy nhiên khi yêu cầu giải ngân bảo lãnh thì không thực hiện được vì các điều khoản giải ngân phức tạp, không rõ ràng và thậm chí một số điều kiện không thể thực hiện được. Vì vậy khi quy định về điều kiện giải ngân bên bán nên tham vấn luật sư hoặc chuyên gia có kinh nghiệm để đảm bảo cho mình nếu xảy ra tình huống cần phải yêu cầu giải ngân bảo lãnh.

Trên đây là một số điểm cần lưu ý khi thực hiện hợp đồng thương mại để các bên trong hợp đồng tham khảo và cân nhắc khi đàm phán và soản thảo hợp đồng thương mại nhằm tránh các mâu thuẫn và tranh chấp trong tương lai.

 

Ls Phạm Xuân Dương