Doanh nghiệp có hai đại diện theo pháp luật và hai con dấu trở lên Emt.vn - Cập nhật ngày 17/09/2019

Doanh nghiệp có hai đại diện theo pháp luật và hai con dấu trở lên

 

Luật Doanh nghiệp 2014 có những điểm đột phá so với Luật Doanh nghiệp 2005, những điểm đột phá là bước tiến dài trong hoạt động lập pháp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên xét trên góc độ thực tiễn ứng dụng có những đột phát của Luật Doanh nghiệp 2014 thực sự có là đột phá hay không. Chúng ta sẽ mổ xẻ, phân tích một trong những quy định mới đột phá của Luật Doanh nghiệp 2014 đó là quy định về con dấu của doanh nghiệp (điều 44) và Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (điều 13).

 

Điều 13. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Điều 44. Con dấu của doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Mã số doanh nghiệp.

2. Trước khi sử dụng,doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

 

Bên cạnh những đáp ứng nhanh chóng và thuận tiện khi doanh nghiệp có hơn một người đại diện theo pháp luật và con dấu chúng ta nhận thấy gần đây có những hệ luỵ phát sinh từ quy định trên trong  doanh nghiệp.

 

Một số doanh nghiệp có chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc được đăng ký là người đại diện theo pháp luật đồng thời doanh nghiệp này cũng có hai con dấu.

Về quy định chức năng quyền hạn của đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định tại điều 13 Luật Doanh nghiệp và ngoài ra còn được quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp.  Chính vì những đại diện theo pháp luật này có quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án cho nên đối với các hoạt động mang tính chất “đối ngoại “ tức là các giao dịch hoặc đại diện cho doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân bên ngoài những người này ký và đóng dấu và nhân danh là có thể coi đây là giao dịch hoặc đại diện hợp pháp.

Tuy nhiên xét về khía cạnh “đối nội” tức là các hoạt động trong nội bộ của doanh nghiệp thì chúng ta mới phân biệt được mặc dù cùng là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhưng chức năng đại diện của họ lại có những điểm khác nhau. Những điểm khác nhau trong chức năng đại diện này được cụ thể hoá trong bản điều lệ của doanh nghiệp. Những chức năng cụ thể hoá trong điều lệ này chỉ những cổ đông hay thành viên góp vốn hoặc những người liên quan tìm hiểu điều lệ của chính doanh nghiệp này mới hiểu được.

Chính vì mức độ không phổ biến của điều lệ doanh nghiệp cụ thể nên phát sinh tình huống tranh chấp xảy ra. Ở một số doanh nghiệp do phát sinh mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông/thành viên góp vốn và mỗi một nhóm này đều có đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Tình huống xảy ra hai nhóm tranh chấp và tìm cách khắc chế nhau, cùng ban hành những văn bản chỉ đạo một vấn đề theo hướng khác nhau...Đỉnh điểm là hai phe nhóm do mỗi bên nắm giữ 50% vốn điều lệ nên không bên nào chịu nhường bên nào. Hậu quả doanh nghiệp thiệt hại và các đối tác bên ngoài không thể biết thực hiện giao dịch với doanh nghiệp đó như thế nào.

Để khắc phục tình trạng này không thể giao cho Điều lệ doanh nghiệp quy định chi tiết quyền hạn của đại diện theo pháp luật đối doanh nghiệp có từ hai đại diện trở lên được, điều này phải được luật hoá hoặc hướng dẫn tại văn bản dưới luật.

Như vậy việc quy định thẩm quyền đại diện theo pháp luật của chủ tịch và tổng giám đốc/giám đốc phải rõ ràng, họ có quyền gì và trường hợp nào thì họ mới được đại diện thay quyền đương nhiên cho người kia và ngược lại. Luật hoá chức năng đại diện của từng chức danh và được thực hiện thay nhau trong những trường hợp cụ thể mới hạn chế được những giao dịch/đại diện chồng chéo, đồng thời hạn chế được mức độ gây thiệt hại cho các đối tác đang giao dịch với doanh nghiệp, đồng thời tổ chức, cá nhân liên quan phân biệt được ngay liệu mình có thực hiện với đúng người có thẩm quyền hay không.

Quy định có hơn một đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và hơn một con dấu là quy định tiến bộ. Tuy nhiên để quy định tiến bộ này đi vào đời sống kinh tế và không bị bóp méo cần có những quy định cụ thể hoá nhằm đưa những tiến bộ này thực sự phát huy và hạn chế được tối đa sự lách luật gây hậu quả từ những quy định này.

Luật sư Phạm Xuân Dương