Chuyển giao quyền lực khi mua bán doanh nghiệp (M&A) Emt.vn - Cập nhật ngày 27/06/2017

Thâu tóm doanh nghiệp là một trong những xu hướng mới hiện nay không những trên thế giới mà còn bắt đầu phổ biến tại Việt Nam. Một trong những ưu điểm của loại hình này là giúp cho người thâu tóm nhanh chóng tiếp cận được các lợi thế của đối tượng mà mình thâu tóm đang sở hữu như lợi thế thị trường, công nghệ, nguồn tài nguyên, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Những lợi ích mà thâu tóm mang lại đã giúp cho các giao dịch này ngày càng nhiều và phổ biến. Tuy nhiên pháp luật về thâu tóm doanh nghiệp tại Việt Nam còn non trẻ và nhiều bất cập khiến cho các giao dịch có thể phát sinh những bất lợi cho nhà đầu tư. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập tới khía cạnh rủi ro của nhà đầu tư sau khi đã thực hiện xong việc thu gom cổ phần tối đã nhưng chưa tiếp cận được quyền lực.

Điều 114 khoản 2 luật doanh nghiệp 2014 có quy định:

2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:

a) Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;

b) Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;

c) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản; phải có họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký doanh nghiệp đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;

đ) Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Như vậy đối với tất cả các trường hợp mặc dù thâu tóm được phần lớn cổ phần tại một công ty đi chăng nữa thì nhà đầu tư cũng không được tham gia tiếp cận quản lý công ty của họ vì quy định tại khoản 2 điều 114 nói trên yêu cầu nhà đầu tư phải nắm giữ số cổ phiếu này liên tục trong vòng 06 tháng trở đi tính từ thời điểm họ mua được. Quy định này sẽ cản trở sự tiếp cận tiếp quản công ty đối với những nhà đầu tư mong muốn sớm ổn định công ty khi vấp phải sự chống đối của Ban lãnh đạo cũ. Thực tế hoạt động nghề nghiệp chúng tôi đã gặp phải một số trường hợp tương tự khi nhà đầu tư mới không thể tiếp cận hay tiếp quản công ty mới mà họ vừa thâu tóm được số lượng lớn cổ phần áp đảo tuy nhiên do vấp phải sự chống đối bất hợp tác của Ban lãnh đạo cũ do đó quá trình chuyển giao quyền lực trong công ty không suôn sẻ và mất thời gian do quy định tại điều luật nêu trên.

Như vậy khoảng trống này là tương đối lớn bởi nó quá dài để cho những người không còn là chủ sở hữu lại định đoạt tài sản của người khác là điều không hợp lý và nó dẫn tới việc trục lợi hoặc thất thoát tài sản hoặc mất cơ hội kinh doanh mà những nhà đầu tư hướng tới khi họ chấp nhận bỏ vốn ra nhằm thâu tóm cổ phiếu trên thị trường.

Sự bất cập này cũng là một trong những lý do khiến cho công cuộc cổ phần hoá hoặc bán đấu giá cổ phần nhà nước ra công chúng kém phần hấp dẫn hơn.

Vì vậy để khắc phục tình trạng này nhà nước cần sớm sửa đổi điều luật nêu trên hoặc cụ thể hoá từng trường hợp cơ bản cho rút ngắn thời gian tiếp cận quyền của cổ đông phổ thông khi sở hữu chúng nhằm thực thi hoá quyền sở hữu của họ.

Ngoài ra trong thời gian khi nhà nước chưa sửa đổi quy định trên thì các nhà đầu tư cần triệt để áp dụng các phương pháp thuyết phục giám đốc, hội đồng quản trị, ban kiểm soát cũ để có những bước chuyển giao quyền lực một cách nhanh nhất hoặc tranh thủ các cổ đông cũ nhằm ủng hộ mình trong giai đoạn giao thời nêu trên.

 

luật sư Phạm Xuân Dương

16/03/2016